Ẩn họa từ đồ ăn vặt trước cổng trường
Bài viết liên quan
Nhiều đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc đang được bày bán trước các cổng trường học trên địa bàn Hà Tĩnh tiềm ẩn những nguy cơ gây ngộ độc, dị ứng... ảnh hưởng đến sức khỏe các em học sinh.
Loại kẹo các em học sinh Trường THCS thị trấn Cái Rồng (Quảng Ninh) mua ăn có chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt (Ảnh: TTXVN)
Cuối tháng 11 vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều học sinh ở Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) bị ngộ độc thực phẩm, có các biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân là do các em ăn kẹo đựng trong bao bì ni lông màu xanh, phía ngoài có in chữ nước ngoài và không có phụ đề tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại quán tạp hóa gần cổng trường. Sau khi bị ngộ độc, học sinh đã được chuyển đến cơ quan y tế để theo dõi, thăm khám. Hiện sức khỏe của các em đã ổn định và đi học trở lại.
Tiếp đó là các vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Thái Nguyên, thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Điểm chung của các sự việc trên là do học sinh ăn kẹo lạ, có chữ nước ngoài được bán trước cổng trường. Rất may, các vụ ngộ độc trên không gây nguy hiểm đến tính mạng song lại một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn thực phẩm (ATTP) từ đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường.
Một số đồ ăn vặt được bày bán tại cửa hàng gần cổng trường THCS Thạch Trung (thành phố Hà Tĩnh) không rõ nguồn gốc
Tại Hà Tĩnh, tình trạng đồ ăn vặt được bán trước cổng trường không rõ nguồn gốc diễn ra khá nhiều. Vào đầu giờ học hoặc giờ tan trường, chỉ cần ghé các cổng trường ở TP Hà Tĩnh rất dễ bắt gặp hình ảnh học sinh tụ tập tại các cửa hàng, gánh hàng rong để mua đồ ăn vặt.
Điểm chung các món đồ ăn này là rất rẻ và đa dạng mẫu mã, chỉ cần vài nghìn đồng là các em đã có thể mua cho mình đồ ăn yêu thích. Đa số các loại đồ ăn vặt được bày bán trước cổng trường không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc địa chỉ sản xuất chỉ được ghi chung chung, không rõ ràng. Một số đồ ăn có chữ nước ngoài, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Sau giờ học, nhiều em học sinh đã “tranh thủ” đi mua đồ ăn vặt tại các hàng quán gần cổng trường.
Nhiều hàng quán thậm chí bày biện đồ ăn vặt ngay giữa sàn nhà. Một số quầy thức ăn nhanh chỉ bày biện trên khay mà không được che dậy cẩn thận. Chưa kể, nhiều quán trước cổng trường nên thường nằm ngay mặt đường, xe cộ qua lại thường xuyên, bụi bẩn bay quanh.
Mặc dù đã có những hồi chuông cảnh báo về tác hại của đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc nhưng nhiều phụ huynh và học sinh vẫn xem nhẹ điều này. Với các em học sinh, những đồ ăn đầy màu sắc, kích thích vị giác là điều rất hấp dẫn và khó bỏ qua.
Còn với nhiều bậc phụ huynh, vì cuộc sống bận rộn nên đã cho con cái tiền tiêu vặt, từ số tiền này, nhiều em đã mua cho mình những món ưa thích. Một phụ huynh tại thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) phân trần: "Tôi cũng biết đồ ăn vặt trước cổng trường không an toàn nên đã có nhắc nhở con không được mua. Vì công việc, vợ chồng tôi không có thời gian đưa đón con, để con đi học cùng bạn nên nhiều khi không quản lý được. Có thể con cũng đã dùng tiền ăn sáng để mua thức ăn không đảm bảo an toàn".
Các quán hàng bán đồ ăn vặt luôn là địa chỉ hấp dẫn các thực khách nhí sau giờ học. (Ảnh chụp quán bán đồ ăn vặt gần cổng trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn).
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do đồ ăn vặt trước cổng trường, nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã khuyến cáo học sinh, phụ huynh tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát học sinh trong vấn đề đảm bảo ATTP trường học.
Các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP cũng đã tổ chức kiểm tra, thu giữ và tiêu hủy nhiều đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc được bày bán trước cổng trường. Song song với đó là các buổi tuyên truyền cho học sinh các cấp về tác hại của việc ăn đồ không rõ nguồn gốc.
Lực lượng chức năng thị trấn Lộc Hà tiêu hủy đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc đã thu giữ được tại các hàng quán trước cổng trường học trên địa bàn.
Tại thị trấn Lộc Hà, trong năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của thị trấn Lộc Hà đã tiến hành 3 đợt ra quân kiểm tra ATTP trên địa bàn. Đoàn chú trọng kiểm tra tại các cửa hàng tạp hóa, quán ăn gần cổng các trường học.
Đại úy Hoàng Văn Bé - Trưởng Công an thị trấn Lộc Hà cho biết: "Qua các đợt kiểm tra, đoàn đã nhắc nhở và lập hồ sơ tiêu hủy các hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng. Đồng thời tổ chức tuyên truyền và tiêu hủy đồ ăn vặt quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc có sự chứng kiến của học sinh. Từ cuộc kiểm tra đã giúp Nhân dân, đặc biệt là học sinh tại các nhà trường ý thức hơn về việc nguy hiểm của đồ ăn không rõ nguồn gốc".
Đồ ăn vặt có thể xem là một thức quà đầy kỷ niệm của tuổi học trò. Tuy nhiên, phụ huynh, học sinh cần phân biệt rõ với các món đồ ăn không rõ nguồn gốc, không tem, nhãn mác. Bởi với các loại đồ ăn nói trên, ngoài dấu hiệu ngộ độc trực tiếp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, béo phì và là một trong những nguyên nhân gây ung thư.
Những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được chế biến, bảo quản đúng quy định nếu sử dụng rất dễ gây ra ngộ độc và mắc các bệnh truyền qua thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, nhà trường cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh về kiến thức ATTP, cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan chức năng phải thường xuyên tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn các cá nhân kinh doanh thực phẩm trước cổng trường biết và kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn; đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh
Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần Hà Tĩnh
Địa chỉ: Số 08 đường Đồng môn, phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Điện thoại: 0239 3856 690
Đường dây nóng:
Email: bvtamthan@hatinh.gov.vn