Đau lòng những án mạng do người tâm thần gây ra
SKĐS - Theo bác sĩ Thiện, không phải người nào bị rối loạn tâm thần cũng có thể gây nguy hiểm cho người khác, hiểu đúng vấn đề này thì cộng đồng sẽ giảm được sự kỳ thị đối với người bị rối loạn tâm thần.
Những vụ án đau lòng
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiếm soát hành vi, bởi công tác quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về người tâm thần phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.
Điều xót xa đọng lại là hậu quả do người tâm thần sống trong cộng đồng dân cư đã được cảnh báo từ trước, với nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra, nhưng phần vì chủ quan, phần nữa xuất phát từ tình cảm ruột thịt, nhiều trường hợp không muốn đưa anh, em hoặc con cái của mình vào các trung tâm để chữa trị.
Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng thời gian qua, thực trạng người có biểu hiện tâm thần gây án tại các vẫn liên tiếp xảy ra gây nhức nhối xã hội. Dư luận nhiều lần cảnh báo về tình trạng người tâm thần gây án nhưng những vụ án bi thảm vẫn cứ tái diễn, một phần xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ của địa phương và gia đình người bệnh.
Cũng chính từ đó đã dẫn đến thực trạng đáng báo động, một số đối tượng là người tâm thần đã có hành vi gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình và cộng đồng, là thủ phạm gây ra các vụ giết người đau lòng.
Mới đây nhất, vào khoảng 8h ngày 12/5, tại nhà bà N.T.P. người dân thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm phát hiện ông N.Đ.S. (SN 1985), trú xã Thanh Long, huyện Thanh Chương (Nghệ An) nằm chết trên giường, dưới nền nhà có nhiều vết máu, cạnh đó có 2 con dao nhọn. Ngay sau đó người dân đã trình báo cơ quan chức năng.
Công an tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng vào cuộc và xác định, thời điểm xảy ra vụ việc, bà P. đang đi làm ở huyện Đức Thọ, không có mặt ở nhà. Anh S. sinh sống ở tỉnh Nghệ An, thi thoảng mới về đây thăm mẹ nên hầu như không có mâu thuẫn, xích mích với bất kỳ ai.
Sau hơn 1 ngày điều tra, xác minh Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an huyện Hương Sơn đã phát hiện, bắt giữ được đối tượng Nguyễn Ngọc Nhung (SN 1968), trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn. Nhung được xác định là hung thủ dùng dao sát hại anh N.Đ.S.
Điều đáng đau lòng, Nhung là đối tượng bị bệnh tâm thần, không biết chữ, được điều trị tại gia nhưng lại thường xuyên đi lang thang trên địa bàn. Vụ việc hiện vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân, động cơ gây án của đối tượng.
Cũng trên địa bàn huyện Hương Sơn, dư luận còn chưa hết bàng hoàng khi trước đó, vào ngày 26/3/2022, tại xã Sơn Long cũng xảy ra vụ án mạng kinh hoàng. Vào thời điểm nói trên, người dân ở thôn 4, xã Sơn Long phát hiện bà Lê Thị H. (SN 1958) tử vong tại nhà riêng với nhiều vết chém trên cơ thể. Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng xác định, hung thủ gây án chính là Phạm Thị Hiền (SN 1979), con gái ruột của nạn nhân.
Hiền bị bệnh tâm thần, lấy chồng về xã Sơn Trà và đã có 4 người con. Tuy nhiên, thời gian gần đây Hiền về sống với mẹ đẻ. Nguyên nhân của việc ra tay sát hại mẹ, đối tượng khai nhận do xin tiền để mua một chiếc vòng nhưng mẹ không cho nên đã xuống tay với đấng sinh thành.
Còn nhớ cách đây 1 năm, một vụ án khác rúng động dư luận phố núi vào ngày 25/10/2021, khi đối tượng Hà Trọng Quyết (SN 1993), trú xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn dùng dao chém nhiều nhát khiến cháu Hà Trọng Đ. (SN 2013), học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Sơn Ninh tử vong.
Đối tượng Hà Trọng Quyết tại cơ quan Công an. |
Chỉ vì xích mích với bố của nạn nhân về những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, Quyết đã sinh lòng thù hằn, nảy sinh ý nghĩ và hành động dùng dao chém chết con trai của người này để trả thù. Được biết, đối tượng Quyết là người có biểu hiện tâm thần rối loạn, đã từng có thời gian chữa trị về các chứng bệnh tâm thần tại bệnh viện.
Người tâm thần gây án chịu trách nhiệm gì?
Theo quy định tại Điều 21, Bộ luật Hình sự 2015: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự"; Trong trường hợp cơ quan giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm gây án thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện.
Theo một cán bộ Công an Hà Tĩnh cho biết, không phải bất cứ vụ án nào do người có bệnh án tâm thần gây ra cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Theo Điều 51, Bộ luật hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình".
Điều này có nghĩa là nếu như cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên họ sẽ được chữa bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát trước khi phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ án thương tâm do người bị rối loạn tâm thần gây ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó chủ yếu là vấn đề người bệnh không được phát hiện bệnh sớm, khám và điều trị kịp thời, dẫn tới việc các hoang tưởng, ảo giác ngày càng nặng hơn, chi phối tư duy của bệnh nhân và làm cho bệnh nhân gây ra những hành vi nguy hiểm", bác sĩ Thiện cho hay.
Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng, là nỗi lo của toàn xã hội. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; kể cả khi họ đã gây án, nếu như mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì pháp luật cũng không áp dụng chế tài hình sự đối với người tâm thần.
Như vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, giúp đỡ người tâm thần, góp phần phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và toàn xã hội. Cần tham gia hỗ trợ gia đình và người tâm thần trong công tác quản lý, điều trị, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật, đế giảm thiểu xảy ra những vụ án đau lòng.
Nguyễn Sơn