Định kiến, ám ảnh và hoang tưởng là những rối loạn thuộc phần nội dung của tư duy, là những biểu hiện bệnh lý trong suy nghĩ của một con người.
1. Định kiến
Định kiến là những ý tưởng quá mức, ý tưởng ưu thế (dominant idea), là nhận định phát sinh từ những hoàn cảnh thực tế, nhưng sau đó chiếm một vị trí ưu thế quá mức trong ý thức của bệnh nhân kèm theo tình trạng căng thẳng cảm xúc. Ví dụ: đánh giá quá mức về một hành động nào đó của người khác, người bệnh cho rằng đó là sự xúc phạm, chế giễu mình. Càng suy nghĩ, càng thấy nó trở nên nặng nề, khó chịu, chi phối toàn bộ tư tưởng, cảm xúc và hành động của người bệnh. Người bệnh bận rộn với những ý nghĩ đau khổ về sự bị xúc phạm này và tìm kế hoạch trả thù.
Định kiến có các đặc điểm chung là:
– Được phát sinh từ những hoàn cảnh thực tế như một phản ứng tự nhiên của một người trước các sự kiện thực tế đó. Tuy nhiên, phản ứng đó trở nên quá mức và chiếm ưu thế trong ý thức người bệnh.
– Người bệnh không thấy chỗ sai của định kiến nên không tự đấu tranh để xóa bỏ định kiến.
– Định kiến không trở thành quan điểm vững chắc của người bệnh, việc đả thông thuyết phục có thể làm suy yếu định kiến, có khi cùng với thời gian, định kiến tự nó mờ nhạt và mất dần đi.
2. Ám ảnh
Ám ảnh là những ý tưởng, những hồi ức, những cảm xúc, những hành vi không phù hợp với thực tế, luôn luôn xuất hiện ở người bệnh với tính chất cưỡng bức. Người bệnh còn biết phê phán hiện tượng đó là vô lí, không cần thiết, muốn tự xua đuổi đi nhưng không thể được.
Các ám ảnh có đặc điểm chung là:
– Những vấn đề thuộc về tư duy, cảm xúc (chủ yếu là lo sợ) và hành vi không phù hợp nhưng luôn xuất hiện với tính chất cưỡng bức.
– Người bệnh thấy chỗ vô lý, thấy chỗ sai của ám ảnh, muốn đấu tranh, xua đuổi đi nhưng không được.
– Người bệnh thường đau khổ, đấu tranh đầy căng thẳng và bất lực với ám ảnh. Ví dụ: đau khổ về những ý nghĩ cứ đến mà không phù hợp với ý nghĩ của mình; đấu tranh căng thẳng với những xu hướng hành vi không phù hợp với cảm xúc, tình cảm của mình và đôi khi bất lực, phải làm theo ám ảnh.
Người ta có thể phân chia ra các loại ám ảnh như sau:
– Lo sợ ám ảnh: nội dung lo sợ ám ảnh hết sức đa dạng: ám ảnh sợ khoảng trống, ám ảnh sợ xã hội và những ám ảnh sợ biệt định như: sợ ở trên cao, sợ vật sắc nhọn, sợ bẩn, sợ bệnh… Có một số lo sợ liên quan đến hành vi như:
. Lo sợ thực hiện: đó là trạng thái lo sợ không thực hiện được một số động tác, hoạt động nào đó, ví dụ: sợ sẽ quên mất nội dung khi phát biểu trước công chúng, sợ sẽ bị bối rối khi phải trả lời câu hỏi, sợ vấp váp khi phát âm một từ nào đó, sợ thực hiện vụng về một động tác nào đó trong hoàn cảnh nhất định. Lo sợ không ngủ được là triệu chứng rất hay gặp ở người rối loạn giấc ngủ.
.Lo sợ một thói quen nào đó như: sợ đỏ mặt trước đám đông.
– Ý tưởng ám ảnh:
. Suy luận ám ảnh: người bệnh luôn luôn phải suy nghĩ về những vấn đề không có ý nghĩa, không thể giải quyết được, ví dụ: tại sao trái đất lại hình cầu? nếu trái đất hình trụ thì sẽ ra sao? Tại sao cái ghế lại bốn chân?
. Tính toán ám ảnh: người bệnh luôn phải bận tâm với những tính toán vô ích, ví dụ: cứ phải đếm biển số nhà trên đường phố, đếm các cửa sổ… Có khi phải lẩm bẩm liên miên các bài toán trong đầu.
. Nhớ ám ảnh: người bệnh luôn phải nhớ tên ,tuổi của những người thân quen, nhớ những từ, những thuật ngữ khác nhau.
. Ý tưởng xúc phạm, ý tưởng bất hạnh: đó là những ý tưởng trái với tình cảm thực của bệnh nhân, cứ xuất hiện khiến bệnh nhân đau khổ, ví dụ: con chiên đến nhà thờ là xuất hiện ý tưởng xấu, xúc phạm đến Chúa hoặc bố mẹ xuất hiện ý nghĩ là con mình sẽ bị bệnh hoặc gặp tai nạn…
. Hoài nghi ám ảnh: người bệnh luôn hoài nghi, phân vân về một sự việc đã xảy ra, ví dụ: đi ra đường cứ phân vân vì chưa đóng cửa phòng mà thực tế đã đóng rồi hoặc có người khi con chết đã chôn rồi mà vẫn băn khoăn là con mình chưa chết thật,…trong những trường hợp này thường dẫn đến hành động kiểm tra như: quay về nhà xem đã khóa cửa chưa hoặc đòi đào mộ lên xem con đã chết thật chưa.
– Xu hướng, hành vi ám ảnh:
. Xu hướng ám ảnh: là những xu hướng muốn tiến hành những hành động vô nghĩa, thường là nguy hiểm mà bản thân người bệnh thực sự không muốn làm, ví dụ: có xu hướng chửi người đi đường, cầm dao đâm con hoặc ngược lại đã có những trường hợp đứa trẻ có xu hướng cầm dao đâm cha mẹ, anh chị, khiến nó rất sợ và rất đau khổ với ý nghĩ và xu hướng này.
. Nghi thức ám ảnh: là những hành vi ám ảnh xuất hiện cùng với lo sợ ám ảnh và hoài nghi ám ảnh, nhiều khi nó là phương thức đấu tranh chống lại lo sợ ám ảnh, trở thành một thói quen, một nghi thức, ví dụ: người có ám ảnh lo sợ người thân bị tai nạn hoặc chết, mỗi lần ra khỏi nhà phải nhìn lại cửa sổ nhà mình 3 lần mới yên tâm đi thẳng. Theo người bệnh, động tác này có thể làm những điều không may không xảy ra và như vậy người bệnh mới yên tâm. Có những hành vi nghi thức liên quan tới những điều mê tín, ví dụ: để mong gặp may mắn trong công việc, khi ra khỏi cửa nhà phải bước bằng chân phải hoặc cần người nam giới đón ngõ,…Điều này chưa phải là bệnh lý, nhưng nếu là bệnh lý có thể trở thành nội dung của nghi thức ám ảnh.
. Thói quen ám ảnh: là những động tác thực hiện trái với ý muốn, người bệnh cố gắng kìm lại nhưng không được. Đây không phải là những động tác tự động mà là những động tác chủ ý, đã trở thành thói quen, ví dụ: những động tác trễ môi, nhe răng, há miệng, nghiêng, ngoẹo, lắc cổ. gãi mặt, vuốt mũi, vuốt tóc hoặc thêm quá nhiều tiếng đệm khi nói như: “vấn đề là”, “nghĩa là”, “rằng thì là”. Hội chứng ám ảnh hay gặp trong các rối loạn tâm căn và trong giai đoạn đầu của bệnh tâm thần phân liệt.