Hải Thượng y tông tâm lĩnh và những khởi tạo kết nối, chia sẻ văn hóa
Lê Hữu Trác (Hiệu: Hải Thượng Lãn Ông, để lại bộ Y tông tâm lĩnh, về sau đổi thành Hải Thượng y tông tâm lĩnh), được viết chủ yếu bằng chữ Hán, gồm 28 tập/66 quyển (Q). Tập đầu hoàn thành năm 1770; tập cuối (Q.“Vỹ”: Thượng kinh ký sự hoàn thành tháng 11/1783). Toàn bộ được khắc in lần đầu năm 1885. “Hải Thượng y tông tâm lĩnh không chỉ đề cập, bàn luận tới hầu hết các vấn đề của y học/Đông y mà còn đề cập tới nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác (văn hóa, tư tưởng, văn học, đạo đức, thẩm mỹ...).
Có thể thấy sự tương đồng, gặp gỡ giữa Lê Hữu Trác và nhiều danh y nổi tiếng thời tiền hiện đại, cả ở trong và ngoài nước, trong và ngoài khu vực. Ở trong nước, trước Lê Hữu Trác có Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-?). Lê Hữu Trác vừa kế thừa, vừa phát triển tư tưởng và thành tựu, nhất là quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh. Sau Lê Hữu Trác, có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với Ngư Tiều vấn đáp y thuật - một trường hợp “văn y kết hợp” cũng hết sức độc đáo… Ở ngoài nước, trước hết với Trung Hoa, Lê Hữu Trác có khá nhiều điểm gặp gỡ, tương đồng với các danh y nổi tiếng, tiêu biểu như Tôn Tư Mạc (550-691), Lý Thời Trân (1518-1593).
Với châu Âu và phương Tây, sang thời hiện đại, người ta mới dò tìm những liên hệ, gặp gỡ Đông - Tây ở Lê Hữu Trác. Thực ra, trước đó, từ rất xa, ngay từ thời cổ đại, nhìn lại, có thể thấy những gặp gỡ kỳ lạ giữa Lê Hữu Trác và Hippocrates (460-375 (?) Tr.CN) - người được xem là “ông tổ” của y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời cổ đại Hy Lạp. Đấy là những gặp gỡ trong quan điểm y đức của Lê Hữu Trác (được thể hiện tập trung trong Y huấn cách ngôn, thuộc tập đầu bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh) và quan điểm y đức của Hippocrates (được thể hiện tập trung trong Lời thề/Hippocratic Oath)... Dõi theo tư tưởng y học của Hippocrates dễ thấy quan điểm về y lý, y thuật của Lê Hữu Trác cũng có những điểm gần gũi, tương đồng với Hippocrates (như quan điểm về việc tìm hiểu và xác định nguyên nhân bệnh tật ở con người; về một số vấn đề sản khoa, nhi khoa, dinh dưỡng...).
Lê Hữu Trác biên soạn Hải Thượng y tông tâm lĩnh trong một khoảng thời gian dài, đề cập đến nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng là công trình mang tính thống nhất chỉnh thể, có giá trị sâu sắc về nhiều mặt. Trước hết cần nói đến giá trị y học của bộ sách - loại hình giá trị có vai trò quan trọng hàng đầu trong kết nối, tạo dựng mối quan hệ, giao lưu giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước Đông Á (thời trung đại), với các nước phương Tây (thời hiện đại) về một lĩnh vực chuyên môn đặc thù.
Giá trị y học của bộ sách thể hiện rõ trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, từ y đức, y lý, y thuật đến dược, dưỡng sinh. Trên từng phương diện, từng nội dung, ông đều có quan điểm rõ ràng. Cơ sở lý thuyết về y học của Lê Hữu Trác, chủ yếu dựa vào các thuyết Âm dương, Ngũ hành - những học thuyết lâu đời, có vai trò quan trọng hàng đầu ở phương Đông, nhất là trong lĩnh vực y học cổ truyền. Dựa vào các học thuyết này, không chỉ có vận dụng sáng tạo mà Lê Hữu Trác còn có những hiệu chỉnh, bổ sung, sáng tạo, đóng góp mới.
Giá trị văn hóa - văn học - thẩm mỹ của Hải Thượng y tông tâm lĩnh cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Ông để lại một khối lượng thơ, văn không nhỏ. Về thơ, có thể phân thành 2 loại.
Loại thứ nhất được dùng như một phương tiện/cách thức (diễn ca) để chuyển tải nội dung y học, giúp người đọc dễ nhớ, dễ vận dụng vào phòng bệnh, chữa bệnh. Có đến hàng trăm bài thơ, đoạn thơ mang tính diễn ca các nội dung y học (về các loại bệnh, cách phòng tránh và chữa; các bài thuốc và cách dùng…) bằng cả chữ Hán và chữ Nôm theo các thể ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát (Vệ sinh yếu quyết, Q. Hạ, gần 1.200 câu lục bát), văn biền ngẫu (Châu ngọc cách ngôn). Loại thơ thứ hai - “thơ nghệ thuật” (Y lý thâu nhàn lái ngôn phụ chí - những bài thơ sáng tác trong thời kỳ làm thuốc; các bài thơ trong Thượng kinh ký sự). Loại thơ này đậm tính trữ tình, dạt dào cảm xúc, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính tạo hình và biểu cảm.
Đặc biệt, Thượng kinh ký sự - Q. cuối cùng của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam. Thượng kinh ký sự vừa như một tác phẩm độc lập, vừa như là phần kết có chủ ý của Lê Hữu Trác đối với bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh.
Lê Hữu Trác không chỉ am hiểu mà còn vượt lên, biết tổng hợp, tinh lọc các giá trị văn hóa phương Đông từ các triết thuyết Nho, Phật, Lão, Kinh dịch, Âm dương... và giá trị văn hóa truyền thống bản địa, ở cả hai nguồn bác học và dân gian; tổng hợp, tinh lọc tri thức từ nhiều sách kinh điển y học của các y gia trong và ngoài nước. Bằng bản lĩnh và tài năng của mình, ông kiến tạo nên sản phẩm mới, giá trị mới, đưa vào thực tiễn ứng dụng: chữa bệnh cứu người, làm thuốc, đào tạo học trò, truyền bá y đạo, nhân đạo; nỗ lực không ngừng trong trước thư lập ngôn, lập thuyết, hoạt động thực tiễn. Ở ông, lý thuyết gắn với thực tiễn, thực hành. Tất cả các hoạt động và trước tác của Lê Hữu Trác đều thực sự và triệt để hướng về con người, về chân - thiện - mỹ.
Tiếp thu thành tựu của y học cổ truyền nước ngoài nhưng Lê Hữu Trác không tiếp thu thụ động mà có những phản biện, tìm tòi và sáng tạo mới mẻ. Với học thuyết âm dương, ngũ hành - học thuyết có vai trò quan trọng đặc biệt trong triết học, y học phương Đông nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung, Lê Hữu Trác đi sâu nghiên cứu kỹ, bộc lộ rõ quan điểm của mình trong toàn bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh (tập trung nhất là trong tập Y gia quan miện, Q.2). Một mặt, ông đánh giá cao thuyết âm dương, ngũ hành và lấy đó làm cơ sở lý luận cho mình; nhưng mặt khác, do nắm chắc cả những ưu, nhược điểm và những bất cập khoa học của lý thuyết này, ông không ngần ngại chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của người xưa khi lập luận và vận dụng âm dương, ngũ hành vào tiếp cận, giải quyết các vấn đề của thực tiễn, nhất là các vấn đề của y học.
Với học thuyết Thủy hỏa - một học thuyết đã được nhiều danh y Trung Hoa phát triển, trong đó rất đáng chú ý là Triệu Hiến Khả (đời Minh), Lê Hữu Trác đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng đã hoàn thiện “thuyết Mệnh môn”, từ đó truyền bá sâu rộng tại Việt Nam. Toàn bộ bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác nói chung, sau này, từ những năm 30 của thế kỷ XX, được giới bác sĩ tây y biết đến và đánh giá cao.
Biên soạn Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Lê Hữu Trác vừa tìm cách “bản địa hóa” nguồn tri thức ngoại lai, kiến tạo bản sắc dân tộc, vừa tìm cách kích hoạt mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước Đông Á. Ý thức “bản địa hóa” các tri thức, nhất là về y học (tiếp thu từ Trung Quốc) nhằm kiến tạo bản sắc dân tộc, đây cũng là điểm gặp gỡ nhau của học giả các nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trên cơ sở tham khảo, chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa và thành tựu của y học Trung Quốc qua các lý thuyết kinh điển, Lê Hữu Trác đã có những nỗ lực sáng tạo mới nhằm tìm ra những gì phù hợp nhất với phong thổ Việt Nam, thể trạng con người Việt Nam, xây dựng hệ thống y lý và y thuật mang tính khả thi, tính thực tiễn sâu sắc. Qua Hải Thượng y tông tâm lĩnh, giới y học của các nước, trước hết là trong khu vực Đông Á đã biết đến nền y học Việt Nam với những nét chung gặp gỡ, tương đồng và những nét riêng khác biệt, đặc thù. Tuy nhiên, điều này vì nhiều lý do, diễn ra muộn, chủ yếu từ sau thế kỷ XIX.
Sang thời hiện đại, Lê Hữu Trác và Hải Thượng y tông tâm lĩnh trong con mắt của giới nghiên cứu châu Âu và phương Tây càng trở nên như là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Nữ nhà văn Pháp Yveline Féray tỏ ra rất tinh tường khi chọn 2 nhân vật trong lịch sử Việt Nam để “phục dựng” chân dung họ bằng tiểu thuyết lịch sử: Nguyễn Trãi và Lê Hữu Trác.
Với Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Lê Hữu Trác đã góp phần khởi tạo, kích hoạt mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với nhiều quốc gia không chỉ trong khu vực Đông Á (từ cuối thời trung đại) mà còn vượt ra ngoài khu vực, với nhiều quốc gia thuộc châu Âu và phương Tây (thời hiện đại) - có thể sẽ là trên khắp toàn cầu sau khi UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông vào tháng 12/2024.